Câu chuyện về đánh bắt bền vững và chứng minh nguồn nguyên liệu có trách nhiệm là trăn trở của các nhà chế biến như ông Nguyễn Thành Lộc trong nhiều năm. Áp lực thị trường ngày càng lớn, và ông Lộc đã phải tìm cách vượt qua những rào cản này để duy trì hoạt động kinh doanh.
Cùng trò chuyện với ông Nguyễn Thành Lộc để nghe ông chia sẻ về hành trình thực hiện FIP Vũng Tàu - giải pháp mà ông đang theo đuổi vì một nghề cá bền vững.
Nhà Quán quân
FIP Vũng Tàu - dự án phát triển nghề cá đa loài tại Bà Rịa Vũng Tàu (BRVT) đã và đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Ông Nguyễn Thành Lộc, Chủ tịch Chi hội Bột cá và Dầu cá tỉnh BRVT, đồng thời cũng là chủ một trong những doanh nghiệp chế biến bột cá đầu tiên của tỉnh xứng đáng được vinh danh vì những đóng góp to lớn này.
Ông Nguyễn Thành Lộc - Chủ tịch Chi hội Bột cá và Dầu cá tỉnh BRVT
Ông Lộc là một doanh nhân mang tinh thần bất khuất “không ngại khó khăn” của một bộ đội cụ Hồ. Ông đã, và chắc chắn sẽ chiến đấu đến cùng cho điều ông tin là đúng.
Ông kể rằng những ngày đầu của ngành khai thác hải sản ở BRVT, cá phân (cá tạp, nhỏ, không phải cá con) mặc dù rất nhiều nhưng đa số tàu cá xem nhóm này là rác vì giá trị kinh tế của chúng gần như không đáng kể. Hệ quả là lượng cá thải lớn và thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mùi hôi thối. Nhà máy bột cá của ông ra đời đã giải quyết hiệu quả vấn đề này, đồng thời cũng tạo thêm được công ăn việc làm cho địa phương và đóng góp vào nguồn thu thuế của tỉnh. Đó là câu chuyện của hơn hai mươi năm trước.
Cá phân (cá tạp, nhỏ, không phải cá con)
Gần hai mươi năm sau, ngành khai thác hải sản BRVT nói riêng, Việt Nam nói chung, đương đầu với một thách thức khác liên quan đến cái gọi là tính bền vững và có trách nhiệm của nghề cá đa loài. Nghề cá này được thế giới biết đến là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu và bột cá.
Trên thực tế, chưa đến 30% tổng sản lượng cập cảng đi vào chế biến bột cá, giá trị bột cá cũng thấp hơn nhiều lần so với hải sản xuất khẩu, tuy nhiên Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lúc bấy giờ (năm 2016) từ chối tham gia vào các cuộc thảo luận với bàn tròn các nhà sản xuất thức ăn thủy sản và các doanh nghiệp sản xuất bột cá trên địa bàn tỉnh. Nhận thiệt thòi về phần mình, ông Lộc kiên trì vận động các doanh nghiệp và chính quyền tỉnh để khởi xướng FIP Đa loài Nghề lưới kéo tỉnh BRVT và chính thức được sự thừa nhận từ UBND tỉnh vào năm 2017.
Những bước đi đầu tiên
FIP Vũng Tàu là FIP đa loài đầu tiên được công nhận tại Việt Nam, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm. Tuy nhiên, một FIP đa loài được coi là phức tạp vì nó đòi hỏi nỗ lực và sự tham gia của nhiều bên liên quan. Vì vậy, để được biết đến như ngày hôm nay, ông Lộc và các đối tác của mình đã phải trải qua một hành trình dài.
Bắt đầu từ năm 2015, đứng trước áp lực của người mua và thị trường về việc chứng minh nguồn nguyên liệu biển đạt chất lượng và có trách nhiệm, ông Lộc trở thành người tiên phong để liên kết và vận động các công ty khác (bao gồm khách hàng - các công ty sản xuất thức ăn; và cả đối thủ cạnh tranh - các công ty sản xuất bột cá) cùng nhau chung tay khởi xướng một Bàn tròn nhằm tìm kiếm một giải pháp chung cho nghề cá.
Bất chấp quyết tâm này, các nhà chế biến ban đầu cảm thấy bối rối vì thiếu các ví dụ thực tế về các hoạt động đánh bắt đa loài bền vững. Tuy nhiên, ông Lộc đã làm hết sức mình để khuyến khích các bên liên quan giữ kết nối và không từ bỏ quan điểm “mọi trở ngại đều có thể vượt qua”. Đồng thời, tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế. Đối tác của ông Lộc, với sự hỗ trợ tài chính từ Bàn tròn, đã đến Boston và Brussels vào năm 2016 để tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia quốc tế. Sự tương tác đầu tiên giữa Hội nghị Bàn tròn Cải thiện Nghề cá BRVT và các bên liên quan trên toàn thế giới đã diễn ra tại Hội chợ Triển lãm Thủy sản Châu Âu ở Brussels, Bỉ, với sự hỗ trợ của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA, nay là Liên minh Thủy sản Toàn cầu - GSA).
Năm 2017, sau nhiều năm thảo luận và tham vấn, ông Lộc đã dẫn dắt các đối tác là sáu công ty thức ăn thủy sản và năm công ty bột cá khác thành lập Hiệp hội Bột cá và Dầu cá BRVT. Trong năm này, các cơ quan chức năng ghi nhận nỗ lực thực hiện FIP đa loài tại tỉnh BRVT.
Ông Lộc thăm Bruxelles và gặp mặt với MarinTrust
Tuy nhiên, phải mất 2 năm nữa, từ 2018 đến 2019, ông Lộc và các chuyên gia Việt Nam mới hiểu hết những phức tạp của dự án trước khi FIP Vũng Tàu được triển khai toàn bộ vào năm 2020.
Phỏng vấn ông Lộc về tầm quan trọng của FIP Vũng Tàu
Thành công ngày hôm nay!
Có thể nói, sự tập trung đúng mức, nỗ lực gắn kết và tinh thần không ngại khó khăn chính là bí quyết tạo nên thành công của FIP Vũng Tàu như hiện nay. Và ông Nguyễn Thành Lộc là nhân vật trung tâm, tượng trưng và lan tỏa tinh thần đó. Từ vai trò khởi xướng, cầu nối giữa các bên liên quan, giờ đây ông Lộc (và những người bạn đồng hành của ông) đã đi được chặng đầu tiên trên hành trình phát triển nghề cá bền vững tại tỉnh BRVT.
“Nếu không có sự đồng lòng của các đối tác, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tỉnh BRVT thì FIP Vũng Tàu đã không thể thành công”, ông Lộc nhấn mạnh.
Các đối tác của FIP Vũng Tàu
Nhìn lại một chặng đường dài, FIP Vũng Tàu đã được tổ chức Fishery Progress và MarinTrust thừa nhận là một chương trình triển vọng, đủ cơ sở để trở thành một FIP thành công trong tương lai!